Sinh năm 1961 tại Nam Định, PGS.TS Trần Ngọc Lương được mệnh danh là một trong những bàn tay vàng của ngành y Việt Nam. Công trình ứng dụng phẫu thuật nội soi điều trị một số bệnh lý tuyến giáp của ông đã được vinh danh trong lễ trao giải Nhân tài đất Việt 2014, được bạn bè quốc tế đánh giá cao và gọi là kỹ thuật "Dr Lương".
Với ông, việc chọn học ngành y hay chọn phát triển phẫu thuật nội soi tuyến giáp thay vì mổ nội soi ổ bụng có thể coi là do chữ "duyên". Một lần đi qua trước cổng Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) nhìn thấy hai người bác sĩ mặc áo blu, đeo ống nghe, trong đó có một người nước ngoài, tự dưng cậu học trò người Nam Định thấy mê ngành y và quyết tâm theo đuổi. Học bác sĩ nội trú 9 năm, năm 1987 ông về đúng khoa ngoại Bệnh viện Bạch Mai làm việc.
Phó giáo sư Trần Ngọc Lương, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết trung ương. Ảnh: N.Phương.
Trong thời gian làm việc ở Bệnh viện Bạch Mai, ông sang Pháp học kỹ thuật mổ nội soi ổ bụng. Khi đó, cạnh khoa ổ bụng là khoa phẫu thuật nội tiết, trong đó có mổ tuyến giáp. Thấy kỹ thuật mổ tuyến giáp trong nước còn lạc hậu nên trong một tháng hè ông quyết định xin thầy sang khoa tuyến giáp học.
Đến tháng 12/2001, con đường sự nghiệp của phó giáo sư Lương bắt đầu rẽ sang hướng khác khi ông quyết định về Bệnh viện Nội tiết trung ương để xây dựng khoa ngoại. Với ông đây là giai đoạn vô cùng khó khăn, xây dựng một khoa mới nhưng tiền không có để trang bị máy móc. Số tiền Bệnh viện cho chỉ đủ mua một máy gây mê và vài dụng cụ, thậm chí không có đến một cái kéo phẫu thuật.
Ông phải sang kho đồ cũ của Bệnh viện Bạch Mai nhặt từng cái panh, chậu về đánh rửa để anh em dùng. Những dụng cụ y tế bản thân có được do đi làm chuyên gia, bạn bè tặng ông cũng bỏ ra dùng. "Lúc ấy, tôi và anh em chỉ ước mở được khoa ngoại, có bệnh nhân điều trị và mổ được cho bệnh nhân. Không ai nghĩ nó có thể phát triển thành thương hiệu như hiện nay", PGS Lương chia sẻ.
Trong suốt thời gian cầm dao mổ, điều ông luôn tâm niệm là phải không ngừng cải tiến kỹ thuật, khắc phục bất cập, để nó trở thành kỹ thuật của mình. Sau khi đã có kinh nghiệm về mổ mở tuyến giáp, kết hợp với kỹ thuật mổ nội soi ổ bụng, từ năm 2003 ông bắt đầu chuyên tâm phát triển kỹ thuật mổ nội soi tuyến giáp.
"Thời điểm ấy thế giới có một vài trung tâm đã làm, không được sang học nhưng nghe người ta làm được thì nghĩ mình cũng có thể làm nên tôi bắt đầu nghiên cứu, đọc tài liệu. Mỗi lần mổ tôi đều quay video, sau đó xem lại có gì bất cập, có cái gì cải tiến được hay không", PGS Lương kể lại.
Phó giáo sư Lương tại một bệnh viện ở Ấn Độ. Ảnh: Nhân vật cung cấp.
Ca mổ đầu tiên mất khoảng 3 tiếng, lúc đó ông và các đồng nghiệp chỉ dám chọn bệnh nhân có đường kính bướu cổ 2-3 cm. Kết quả thành công ngoài mong đợi. Thay vì vết sẹo dài 8-12 cm ở chân cổ, phẫu thuật bằng nội soi chỉ còn 2 vết sẹo nhỏ một cm ở nách và ngực, thời gian nằm viện giảm còn 2-3 ngày.
Sau hơn 10 năm, đến nay kỹ thuật mổ nội soi tuyến giáp của ông được bạn bè trong nước và thế giới công nhận là đơn giản, nhanh, an toàn, hiệu quả và so với các nước rẻ hơn rất nhiều.
Lý giải điều này, người đứng đầu Bệnh viện Nội tiết trung ương cho biết, mổ nội soi theo cách riêng, đường từ nách và dưới ngực đi lên với vết rạch da lớn nhất là một cm, bóc tách riêng được các tuyến lân tận của tuyến giáp, các dây thần kinh… Vì thế sau mổ, bệnh nhân được đảm bảo an toàn, không để lại sẹo lớn. Nhiều nước sử dụng kỹ thuật rạch một số vết da ngắn ở cổ, đường vào tuyến giáp ngắn, nhưng vẫn có các vết sẹo trên cổ, nhất là đối với người bệnh cơ địa sẹo lồi.
Hơn nữa với kỹ thuật mổ này, các bác sĩ chỉ cần dùng dụng cụ phẫu thuật nội soi ổ bụng thay vì dùng dụng cụ phức tạp, chế tạo khung treo rắc rối tốn kém hơn rất nhiều như nhiều nước. Dụng cụ phẫu thuật nội soi ổ bụng hiện ở Việt Nam bệnh viện tỉnh nào cũng có, ngay cả tuyến huyện.
Chi phí cho một ca mổ nội soi tuyến giáp chỉ 300-400 đôla, trong khi ở nhiều nước như Singapore khoảng 10.000 đôla. Thời gian mổ cũng rút ngắn chỉ khoảng 20-30 phút, ca mổ nội soi tương tự ở Singapore, Hàn Quốc mất khoảng 2 tiếng.
"Cũng vì những ưu điểm trên, kỹ thuật nội soi này đã được nhiều nước áp dụng như: Phillippines, Indonesia, Malaysia, Singapore, Ấn Độ, Bồ Đào Nha… Hơn 220 giáo sư, bác sĩ đã đến Bệnh viện chúng tôi để học", ông Lương nói.
Điều mà ông và các đồng nghiệp ấp ủ là mong muốn ngày càng hoàn thiện hơn kỹ thuật mổ nội soi tuyến giáp theo kiểu Việt Nam để có thể mổ cho bệnh nhân tốt hơn, an toàn hơn và áp dụng cho nhiều bệnh nhân hơn, nhất là những người mắc bệnh giai đoạn muộn.
Nam Phương
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét