(ĐSPL) – Với lý do nếu để công ty sa thải thì sẽ không nhận được bất kỳ khoản lương thưởng nào, kể cả hoa hồng, doanh nghiệp đã "ép" nhân viên tự viết đơn xin thôi việc chỉ vì "muốn tốt" (?!)
Bị sa thải với lý do "trời ơi"Vừa qua, PV báo Đời sống & Pháp luật đã nhận được đơn thư phản ánh của chị Đào Thị Hằng – nhân viên kinh doanh của công ty Truyền thông Thiên Hy Long (Chicilon Media) về việc bị ép phải viết đơn xin thôi việc với lý do không chính đáng.
Theo đó, trong đơn trình bày của mình, chị Hằng cho biết được Công ty CP Quảng cáo Truyền thông Thiên Hy Long Việt Nam (CN Hà Nội) ký hợp đồng lao động hai năm (từ tháng 6/2014 đến 6/2016) là nhân viên phòng quảng cáo.
Tuy nhiên, trong đơn phán ánh, chị Hằng có nêu công ty CP Quảng cáo Truyền thông Thiên Hy Long Việt Nam chi nhánh Hà Nội, cụ thể là Phó Giám đốc Nguyễn Thị Thanh Bình đã bắt ép chị phải tự viết đơn xin thôi việc và nghỉ ngay lập tức.
Chị Đào Thị Hằng cho biết, do chị không đồng ý viết đơn xin nghỉ việc nên ngày 14/1/2015 phía công ty Chicilon Media đã ra quyết định đình chỉ và dừng tất cả các hoạt động công tác đối với chị.
Phóng to
Quyết định đình chỉ công việc đối với chị Hằng. (Ảnh: NVCC)Thông báo đình chỉ công vệc của công ty có ghi: "Nhân viên sales Đào Thị Hằng trong thời gian làm việc ở công ty không nắm vững nghiệp vụ, đã vi phạm quy định của công ty, đưa thông tin sai sự thật dẫn đến việc ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh của công ty. Nay Ban Giám đốc ra Quyết định đình chỉ công tác đối với nhân viên Đào Thị Hằng kể từ ngày 14/1/2015."
Liên quan tới quyết định buộc chị Hằng phải tự viết đơn xin thôi việc, chị Hằng cho biết là do chị đã đăng tải một hình ảnh lên trang web cá nhân liên quan tới dịch vụ của công ty nhưng ảnh không phải của công ty Chicilon Media. Tuy nhiên, ngay sau khi đăng tải, phía công ty Chicilon đã phản ánh tới chị Hằng và chị Hằng đã gỡ ngay hình ảnh đó theo yêu cầu của lãnh đạo.
Phía chị Hằng cũng khẳng định lỗi mà công ty đưa ra để làm lý do đình chỉ công việc và ép chị phải viết đơn xin nghỉ việc là không thỏa đáng, không có cơ sở pháp lý và thiếu sức thuyết phục. Bởi công ty nêu việc làm của chị Hằng là gây nên hậu quả ảnh hưởng tới hoạt động của công ty nhưng không đưa ra được bằng chứng chứng minh cụ thể.
Ép nhân viên tự viết đơn "chỉ vì muốn tốt"?Sau khi nhận được phản ánh trên, PV báo Đời sống & Pháp luật đã tới liên hệ với công ty Chicilon Media.
Trao đổi về việc Phó Giám đốc Nguyễn Thị Thanh Bình "ép" nhân viên viết đơn xin nghỉ việc, chị Nguyễn Thị Doan, đại diện phụ trách nhân sự của công ty Chicilon Media giải thích: "Theo mức độ vi phạm của bạn Hằng thì công ty sẽ sa thải bạn Hằng. Nhưng phía công ty muốn đảm bảo cho quyền lợi của bạn Hằng. Sau này khi bạn Hằng đi xin việc bạn nhận một quyết định sa thải của đơn vị khác trước đó thì ảnh hưởng đến công việc sau này.
Công ty nghĩ cho bạn Hằng, công ty muốn bạn chủ động viết đơn xin nghỉ việc thì tiền lương và quyền lợi của bạn vẫn được nhận. Nhưng bạn Hằng không thừa nhận sai lầm và cho rằng công ty đã làm sai và lúc nào cũng nghĩ công ty ép bạn nghỉ việc, thực ra công ty chỉ muốn bảo vệ quyền lợi cho bạn ấy.
Bình thường công ty sa thải thì sẽ không được nhận bất cứ một khoản tiền nào kể cả lương, kể cả hoa hồng, kể cả các thứ đều không được nhận" - chị Doan cho biết thêm.
Tuy giải thích về mức độ vi phạm có thể dẫn tới mức sa thải nhưng tại buổi làm việc với phóng viên, bà Nguyễn Ngọc Hà - Giám đốc khai thác Chicilon Media CN Hà Nội lại không đưa ra được lý do và bằng chứng về việc đình chỉ công việc đối với nhân viên Hằng và luôn cho rằng công ty đang đình chỉ công tác để điều tra.
Ngoài ra, một tình tiết đáng lưu ý là việc chị Hằng ký hợp đồng lao động với bà Bai Minh Qing (quốc tịch: Trung Quốc) thì trong Quyết định đình chỉ công tác phải là bà Qing ký. Tuy nhiên người ký lại là bà Nguyễn Thị Thanh Bình, Phó Giám đốc kinh doanh.
Tại thời điểm trao đổi thông tin với phóng viên ngày 19/1/2015, bà Nguyễn Ngọc Hà không đưa ra được giấy ủy quyền của người đại diện theo pháp luật cho bà Nguyễn Thị Thanh Bình ký thay hoặc giải quyết công việc liên quan đến chị Hằng(?!)
Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, PV báo Đời sống & Pháp luật đã tiếp tục tìm tới luật sư Lê Thị Quỳnh Mai - Đoàn luật sư thành phố Hà Nội.
Theo nhận định của luật sư, trong trường hợp này, căn cứ vào quy định của pháp luật và Hợp đồng lao động ký giữa nhân viên Đào Thị Hằng và phía công ty Truyền thông Thiên Hy Long (Chicilon Media) thì Quyết định đình chỉ công việc vô hiệu cả về nội dung và hình thức.
Tại thời điểm trước khi có Quyết định đình chỉ công việc cũng như trong Quyết định đình chỉ công việc, công ty Chicilon chỉ nêu chị Hằng có một số sai phạm mà không dẫn chiếu những sai phạm này có thuộc trường hợp bị xử lý kỷ luật lao động theo quy định pháp luật và nội quy lao động Công ty hay không.
Đồng thời, Quyết định đình chỉ này không được tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở.
Ngoài ra, nhân viên Hằng ký Hợp đồng lao động với Chicilon Media nên Quyết định đình chỉ công việc phải do người đại diện theo pháp luật của công ty ký và đóng dấu của công ty.
Tuy nhiên, Quyết định đình chỉ công việc lại do bà Bình (Phó giám đốc kinh doanh) ký và đóng dấu của chi nhánh. Trong trường hợp bà Bình ký theo sự uỷ quyền của người đại diện theo pháp luật Công ty thì phải có giấy uỷ quyền và đóng dấu Công ty (không phải đóng dấu của chi nhánh).
Như vậy, theo những bằng chứng thu thập được, có thể thấy quyết định ký sa thải và ép chị Hằng viết đơn xin tự thôi việc của công ty Chicilon là hoàn toàn trái với luật Lao động và quy định của pháp luật Việt Nam.
Điểm đáng lưu ý đây không phải lần đầu tiên công ty Chicilon Media có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Trước đó, vào cuối năm 2014, báo Đời sống & Pháp luật đã tìm hiểu và phát hiện công ty này cho phát hàng loạt đoạn clip quảng cáo rượu mạnh trái phép.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin với bạn đọc về vụ việc.
Theo Điều 129, Bộ luật Lao động 2012 quy định về tạm đình chỉ công việc như sau :
1. Người sử dụng lao động có quyền tạm đình chỉ công việc của người lao động khi vụ việc vi phạm có những tình tiết phức tạp, nếu xét thấy để người lao động tiếp tục làm việc sẽ gây khó khăn cho việc xác minh. Việc tạm đình chỉ công việc của người lao động chỉ được thực hiện sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở.
2. Thời hạn tạm đình chỉ công việc không được quá 15 ngày, trường hợp đặc biệt cũng không được quá 90 ngày. Trong thời gian bị tạm đình chỉ công việc, người lao động được tạm ứng 50% tiền lương trước khi bị đình chỉ công việc. Hết thời hạn tạm đình chỉ công việc, người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc.
3. Trường hợp người lao động bị xử lý kỷ luật lao động, người lao động cũng không phải trả lại số tiền lương đã tạm ứng.
4. Trường hợp người lao động không bị xử lý kỷ luật lao động thì được người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cho thời gian bị tạm đình chỉ công việc."
SƠN HÙNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét